Tư vấn ngay: 0962956960 - Đại Cát Lộc

Bướu giáp đơn thuần là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  • Ngày đăng: 24/05/2024
  • lượt xem: 20 lượt xem

Bướu giáp đơn thuần là tình trạng phì đại tuyến giáp (có thể dạng nốt hoặc lan tỏa). Tình trạng này không phải là ung thư, dựa trên nồng độ hormone tuyến giáp thì bướu giáp đơn thuần có mức hormone giáp bình thường (không có cường giáp hay suy giáp).

Tìm hiểu chung

Bướu giáp đơn thuần là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có kích thước nhỏ, nằm ở cổ, có chức năng sản xuất các hormone tuyến giáp. Các hormone này đóng vai trò trong một số chức năng của cơ thể bao gồm trao đổi chất, thân nhiệt, hệ tim mạch và tiêu hoá.

Bướu giáp là tình trạng tuyến giáp phát triển lớn hơn bình thường. Trong đó, toàn bộ tuyến giáp có thể phát triển lớn hơn, hoặc chỉ phát triển các nốt nhỏ ở tuyến giáp.

Bướu giáp có thể được phân loại dựa trên mức độ phát triển thành bướu giáp lan toả (simple diffuse goiter), bướu giáp nhân (nodular goiter) hay bướu giáp đa nhân (multinodular goiter).

Dựa trên nồng độ của hormone tuyến giáp, bướu giáp được chia thành bướu giáp độc hoặc không độc. Trong đó, bướu giáp không độc hay bướu giáp đơn thuần, là tình trạng phì đại tuyến giáp mà không có rối loạn chức năng tuyến giáp. Nghĩa là không có sự hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) của bướu giáp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Bướu giáp đơn thuần

Hầu hết những người mắc bướu giáp đơn thuần đều không có triệu chứng. Bướu ở cổ có thể được người bệnh hoặc người khác vô tình phát hiện. Một số triệu chứng khác có thể gặp khi bướu giáp to và gây chèn ép tại chỗ, bao gồm:

  • Khó nuốt;
  • Khó thở;
  • Khàn giọng;
  • Sung huyết vùng mặt và khó chịu do chèn ép tĩnh mạch cổ;
  • Đau và chảy máu (hiếm khi xảy ra).

Trong trường hợp bướu giáp lớn có thể chèn ép dẫn đến khó thở

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Bướu giáp đơn thuần

Bướu giáp đơn thuần lớn có thể gây ra các biến chứng như:

  • Chèn ép khí quản;
  • Có thể chuyển thành ác tính;
  • Chảy máu ở cổ;
  • Có thể bị nhiễm trùng;
  • Cường giáp (hiệu ứng Jod basedow).

Trong đó, hội chứng Jod basedow (cường giáp do i-ốt) là một biến chứng hiếm gặp. Tình trạng này xảy ra do người bệnh mắc bướu giáp đơn thuần, sau khi sử dụng i-ốt ngoại sinh (có thể là di chuyển đến vùng địa lý có nhiều i-ốt) dẫn đến phát triển cường giáp do i-ốt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện có xuất hiện bướu ở cổ, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Mặc dù bướu giáp đơn thuần có thể không cần điều trị gì. Tuy nhiên, điều quan trọng là bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân dẫn đến bướu cổ của bạn, nó có thể là bướu giáp đơn thuần hoặc có thể do các nguyên nhân khác cần được điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Bướu giáp đơn thuần

Bướu giáp đơn thuần có thể là bướu giáp lan toả hoặc đa nhân, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Bướu giáp sinh lý (dậy thì, mang thai);
  • Thiếu i-ốt;
  • Bất thường về hình dạng;
  • Goitrogens (bắp cải, thuốc goitrogenic như para-aminosalicylic acid);
  • Phơi nhiễm bức xạ;
  • Tự giải phóng hormone TSH;
  • Tự miễn dịch;
  • Nhiễm trùng;
  • Bệnh u hạt.

Tỷ lệ mắc bướu giáp đơn thuần có liên quan mật thiết với mức độ thiếu i-ốt

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Bướu giáp đơn thuần?

Hormone tuyến giáp được tổng hợp từ i-ốt. I-ốt có trong đất và khi bạn ăn các thực phẩm chứa i-ốt được hấp thụ từ đất sẽ giúp cung cấp i-ốt. Ở vùng núi và môi trường mưa, i-ốt bị cuốn trôi khỏi đất và đất có thể bị thiếu i-ốt. Điều này giải thích tại sao cư dân ở những khu vực này sẽ có nguy cơ mắc bướu giáp cao hơn. Có các bằng chứng cho thấy, việc bổ sung i-ốt làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bướu giáp ở những người này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Bướu giáp đơn thuần

Như đã đề cập ở trên, tỷ lệ mắc bệnh bướu giáp đơn thuần hay bướu giáp không độc có liên quan mật thiết với tình trạng thiếu i-ốt. Thiếu i-ốt là nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bướu giáp đơn thuần. Theo các nghiên cứu, việc không bị thiếu i-ốt có liên quan đến tỷ lệ mắc bướu giáp là 5%. Thiếu i-ốt nhẹ có tỷ lệ mắc bướu giáp là 5% đến 20%. Trường hợp thiếu vừa phải, tỷ lệ mắc bệnh khoảng từ 20 đến 30% và sẽ tăng lên hơn 30% nếu thiếu i-ốt nặng.

Giới tính cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bướu giáp. Bướu giáp ở nữ giới cao gấp 1,2 đến 4,3 lần so với nam giới.

Tình trạng kinh tế xã hội thấp là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bướu giáp, điều này có thể liên quan đến việc giảm lượng i-ốt. Các yếu tố khác như chủng tộc không có sự liên quan đến tỷ lệ mắc bướu giáp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Bướu giáp đơn thuần

Để chẩn đoán bướu giáp đơn thuần, bác sĩ sẽ thực hiện hỏi bệnh và khám bệnh cho bạn. Khi khám bướu giáp, bác sĩ có thể sờ vào vùng cổ, yêu cầu bạn thực hiện động tác nuốt hoặc yêu cầu bạn nâng cao cánh tay.

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra các hormone như TSH, hormone tuyến giáp như fT4, T3 để đánh giá tình trạng suy giáp, cường giáp hay bình giáp.
  • Siêu âm: Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm tuyến giáp để đánh giá bướu giáp. Nếu có các đặc điểm nghi ngờ ác tính trên siêu âm, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể được thực hiện.
  • X-quang ngực: Hữu ích trong trường hợp đánh giá bướu giáp sau xương ức và xem có di lệch khí quản hay không.
  • Khác: Chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ đôi khi được thực hiện để đánh giá các cấu trúc giải phẫu liên quan đến lệch khí quản, chèn ép đường thở.

Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để đánh giá bướu giáp

Điều trị Bướu giáp đơn thuần

Nội khoa

Bướu giáp đơn thuần thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên không cần phải điều trị và theo dõi. Điều trị nội khoa bướu giáp đơn thuần đang gây tranh cãi vì có ít hoặc không có tác dụng đối với bướu giáp lâu năm.

Một số bướu giáp đơn thuần có thể đáp ứng với liệu pháp levothyroxin nhưng cần theo dõi chặt chẽ người bệnh để tránh rối loạn nhịp tim, cường giáp và loãng xương. Tuy nhiên, liệu pháp hormone giáp không được khuyến khích nếu bướu cổ tự phát.

Ngoại khoa

Điều trị phẫu thuật không cấp cứu được chỉ định ở người bệnh có chèn ép đường thở hoặc biến chứng. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp được chỉ định trong bướu giáp sau xương ức ngay cả khi không có triệu chứng, vì việc trì hoãn điều trị cho đến khi xuất hiện triệu chứng có thể cần các thủ tục phẫu thuật phức tạp hơn. Tuy nhiên, cần kiểm tra và chuẩn bị kỹ lưỡng trước phẫu thuật.

Nếu là trường hợp cấp cứu, người bệnh sẽ cần sử dụng thuốc chẹn beta, thuốc kháng giáp và corticosteroid trước phẫu thuật. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong và sau khi phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Bướu giáp đơn thuần

Chế độ sinh hoạt:

Bướu giáp đơn thuần là bệnh lành tính và chỉ gây mất thẩm mỹ (trừ trường hợp bướu giáp lớn chèn ép dẫn đến các triệu chứng). Hầu hết các bướu giáp đơn thuần đều có tiên lượng tốt. Một tỷ lệ nhỏ có thể gây cường giáp và một số có thể trở thành ác tính, do đó cần phải theo dõi suốt đời.

Bạn cần đến tái khám đúng hẹn để được bác sĩ theo dõi tình trạng của mình. Đồng thời tự theo dõi các triệu chứng và báo với bác sĩ của bạn để có các kế hoạch điều trị phù hợp, hạn chế diễn tiến của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn nên hỏi bác sĩ nội tiết điều trị cho bạn về chế độ ăn phù hợp. Không tự ý dùng các thuốc hoặc chất bổ sung i-ốt, vì điều này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho bạn.

Phòng ngừa Bướu giáp đơn thuần

Bướu giáp đơn thuần không phải là một tình trạng hiếm gặp, đặc biệt là ở những vùng thiếu i-ốt. Tình trạng này có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêu thụ muối có chứa i-ốt.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng muối ăn có chứa i-ốt để ngăn ngừa tình trạng thiếu i-ốt

Các câu hỏi thường gặp về Bướu giáp đơn thuần

Tôi mắc bướu giáp đơn thuần nhưng không có triệu chứng thì có cần điều trị không?

Nếu không có bằng chứng về sự phát triển nhanh chóng, không có triệu chứng hoặc không có nhiễm độc giáp thì bướu giáp đơn thuần không cần phải điều trị. Điều trị chỉ được cân nhắc nếu có sự phát triển bướu giáp lan rộng vào lồng ngực, có triệu chứng chèn ép hoặc có nhiễm độc giáp.

Làm sao để tôi có thể ngăn ngừa thiếu i-ốt?

Năm 2021, theo báo cáo của Mạng lưới Toàn cầu về Phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới thiếu i-ốt. Để ngăn ngừa tình trạng thiếu i-ốt, kiểm soát các rối loạn do thiếu i-ốt, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo toàn bộ muối ăn trong gia đình đều cần được tăng cường i-ốt. Do đó, để ngăn ngừa thiếu i-ốt, bạn hãy sử dụng muối ăn có chứa i-ốt để nấu ăn trong gia đình.

Tôi có nên dùng thực phẩm chức năng chứa i-ốt khi bị bướu giáp đơn thuần không?

Bạn cần hỏi bác sĩ về chế độ ăn và các thực phẩm chức năng mà bạn sử dụng. Việc sử dụng i-ốt cần đảm bảo đủ lượng, không nên dùng quá mức, ví dụ như rong biển có lượng i-ốt quá mức có thể dẫn đến rối loạn hormone tuyến giáp do i-ốt gây ra ở các đối tượng nguy cơ.

Nếu phát hiện bướu ở cổ, khi nào thì tôi nên đến khám bác sĩ?

Ngay khi bạn phát hiện bướu ở cổ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch theo dõi và điều trị khác nhau cho bạn.

Bướu giáp đơn thuần có nguy hiểm không?

Nhìn chung, tiêm lượng của bướu giáp đơn thuần là tốt. Bướu giáp đơn thuần thường phát triển rất chậm trong nhiều thập kỷ mà không gây ra triệu chứng, chủ yếu chỉ gây mất thẩm mỹ. Chỉ một số ít có thể gây cường giáp hay trở thành ác tính, do đó vẫn cần phải theo dõi suốt đời.

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Messenger