Chèn ép tim là tình trạng khi xung quanh tim có quá nhiều dịch đến mức tim bị chèn ép và không thể thựchiện chức năng bơm máu. Đây là một trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu. Bác sĩ sẽ loại bỏ lượng dịch dư thừa này bằng cách chọc hút hoặc phẫu thuật.
Tìm hiểu chung
Ép tim là gì?
Màng ngoài tim là một túi sợi đàn hồi bao quanh tim chứa một lượng ít dịch sinh lý. Tràn dịch màng ngoài tim được coi là xuất hiện khi dịch tích tụ trong túi vượt quá lượng sinh lý nhỏ (15 đến 50 mL). Chèn ép tim là hậu quả của việc dịch màng ngoài tim tích tụ gây áp lực, làm suy giảm khả năng đổ đầy của tim và giảm thể tích nhát bóp.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của ép tim
Khi tình trạng chèn ép tim diễn tiến nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm:
- Đau ngực dữ dội. Vị trí đau cũng có thể lan đến các bộ phận lân cận trên cơ thể như cánh tay, lưng, cổ hoặc vai. Nó cũng có thể trở nên nặng hơn khi bạn hít thở sâu, nằm thẳng hoặc ho.
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Ngất xỉu, chóng mặt hoặc choáng váng.
- Thay đổi màu sắc da, đặc biệt là da nhợt nhạt, xám hoặc xanh.
- Tim đập nhanh.
- Mạch nhanh.
- Trạng thái tâm thần thay đổi. Người bị chèn ép tim có thể trở nên vật vã hoặc kích thích.
Khi tình trạng chèn ép tim diễn tiến chậm, bạn cũng có thể có các triệu chứng như sau:
- Hụt hơi;
- Phù xuất hiện ở chân hoặc báng bụng;
- Mệt mỏi;
- Cảm giác khó chịu ở ngực thường xuyên, giảm khi bạn nghiêng người về phía trước hoặc ngồi dậy.
Khó thở có thể là triệu chứng của chèn ép tim
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ép tim
Các biến chứng chèn ép tim có thể bao gồm:
- Sốc tim;
- Suy tim;
- Tử vong.
Chèn ép tim rất nguy hiểm vì nó sẽ làm hạn chế lượng máu mà tim bạn có thể bơm (cung lượng tim). Điều này khiến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu máu và oxy. Cuối cùng, nó có thể khiến tim bạn ngừng đập hoàn toàn, một tình trạng có thể gây tử vong được gọi là ngừng tim.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chèn ép tim là một tình trạng khẩn cấp cần được cấp cứu và xử trí ngay lập tức. Nếu bạn có bất kỳ chấn thương nào ở ngực, đặc biệt là gần tim, bạn nên đến cơ sở y tế khẩn cấp. Điều này bao gồm các chấn thương do bất kỳ lực tác động nào, cho dù chấn thương đó có xuyên qua da hay không.
Bạn cũng nên đến bệnh viện nếu bạn đã phẫu thuật hoặc chọc dịch màng ngoài tim và bạn có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào. Bao gồm:
- Sốt hoặc ớn lạnh;
- Đỏ, sưng, đau hoặc nóng xung quanh vết thương hoặc vị trí kim chọc.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến ép tim
Nguyên nhân gây chèn ép tim bao gồm:
- Chấn thương, chẳng hạn như té ngã hoặc tai nạn xe.
- Vết thương xuyên thấu, như vết thương do dao đâm.
- Bóc tách động mạch chủ.
- Ung thư tiến triển.
- Nhồi máu cơ tim cấp.
- Bệnh lao (Tuberculosis).
- Viêm hoặc nhiễm trùng màng ngoài tim.
- Các bệnh miễn dịch mạn như lupus, viêm khớp dạng thấp và xơ cứng bì.
- Ung thư tim.
- Suy tim hoặc thận.
- Suy giáp.
Trong một số trường hợp, chèn ép tim cũng có thể xảy ra sau một thủ thuật y tế. Các thủ thuật này bao gồm:
- Phẫu thuật trên tim hoặc gần màng ngoài tim.
- Các phương pháp can thiệp bằng catheter liên quan đến tim hoặc các mạch máu xung quanh.
- Vị trí của thiết bị như máy tạo nhịp (pacemaker).
- Xạ trị gần tim hoặc màng ngoài tim.
Chấn thương có thể là nguyên nhân gây chèn ép tim
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải ép tim?
Chèn ép tim có thể xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi. Khoảng 2 trong số 10.000 người bị chèn ép tim do các bệnh lý khác.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ép tim
Lượng dịch có thể tích tụ trong màng ngoài tim nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sau:
- Suy tim sung huyết;
- Phẫu thuật tim hoặc các thủ thuật đặt catheter;
- HIV;
- Bệnh thận mạn giai đoạn cuối;
- Các bệnh tự miễn;
- Bệnh ung thư;
- Bệnh lao.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh chèn ép tim
Các phương pháp chẩn đoán chèn ép tim
Một số xét nghiệm và phương pháp có thể giúp chẩn đoán chèn ép tim. Bác sĩ thường bắt đầu bằng việc thăm khám toàn diện. Bao gồm:
- Bắt mạch;
- Kiểm tra huyết áp;
- Kiểm tra hơi thở;
- Nghe tim và nhịp thở;
- Khám dấu mạch nghịch (pulsus paradoxus).
Dấu hiệu chèn ép tim đặc trưng là tam chứng Beck:
- Huyết áp thấp (huyết áp tụt);
- Tĩnh mạch cổ nổi;
- Nghe tiếng tim mờ xa xăm (khi bác sĩ nghe qua ống nghe).
Tuy nhiên, chỉ có 10% đến 40% số người bị chèn ép tim có tam chứng Beck.
Các xét nghiệm sẽ được thực hiện để chẩn đoán chèn ép tim
Các xét nghiệm chẩn đoán chèn ép tim bao gồm:
- Siêu âm tim.
- Chụp X-quang ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
- Điện tâm đồ (ECG).
- Đặt ống thông tim.
Siêu âm tim giúp chẩn đoán chèn ép tim
Điều trị chèn ép tim
Điều trị chèn ép tim có thể bao gồm sử dụng kim (chọc dịch màng ngoài tim) hoặc phẫu thuật.
Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu:
- Chấn thương gây chèn ép tim.
- Bạn có tổn thương cần được sửa chữa.
- Không thể dùng kim để chọc dịch.
- Bác sĩ cần phải cắt bỏ màng ngoài tim của bạn.
Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như khi tim bạn ngừng đập do chèn ép tim, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật mở ngực cấp cứu.
Bác sĩ cũng sẽ cần phải điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng chèn ép tim của bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chèn ép tim và phương pháp điều trị mà bạn đã được tiếp nhận, bạn có thể được chỉ định thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ép tim
Chế độ sinh hoạt:
Chế độ sinh hoạt cho người bệnh bị chèn ép tim bao gồm một số yếu tố quan trọng nhằm giảm tải công tim và hỗ trợ chức năng tim. Dưới đây là một số gợi ý:
- Nghỉ ngơi: Đối với người bị chèn ép tim, nghỉ ngơi là rất quan trọng để giảm tải công tim và giúp tim hồi phục. Hạn chế hoạt động vật lý căng thẳng và tránh tình huống gây căng thẳng cho cơ thể.
- Hạn chế hoạt động vận động: Tránh các hoạt động vận động mạnh, như chạy, nhảy, leo cầu thang hoặc đạp xe. Tuy nhiên, đi bộ nhẹ và thực hiện các bài tập giãn cơ nhẹ có thể được khuyến khích để duy trì sự linh hoạt và sức khỏe chung.
- Điều chỉnh hoạt động hàng ngày: Đối với những hoạt động hàng ngày, hãy thực hiện các biện pháp để giảm tải công tim, chẳng hạn như nâng đồ nhẹ hơn, sử dụng thang máy thay vì cầu thang, và hạn chế việc mang vật nặng.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng có thể gây tăng huyết áp và tăng tải công tim. Hãy tìm hiểu các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, tập thể dục nhẹ nhàng hoặc tìm kiếm hỗ trợ tâm lý nếu cần.
- Tuân thủ điều trị: Thực hiện đúng lịch trình và liều lượng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi triệu chứng: Theo dõi triệu chứng của bệnh và báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng gì thay đổi hoặc thêm vào. Các triệu chứng có thể bao gồm đau ngực, khó thở, mệt mỏi, hoặc những khó chịu khác.
Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bị chèn ép tim cần tập trung vào các nguyên tắc chung của một chế độ ăn lành mạnh và cân đối. Dưới đây là một số lời khuyên:
- Giảm natri (muối): Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn là rất quan trọng để giảm thiểu việc giữ nước trong cơ thể và giảm tải công tim. Tránh thực phẩm chứa nhiều muối như thức ăn nhanh, đồ hộp, gia vị và một số loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Tăng cung cấp chất xơ: Bổ sung chất xơ từ các nguồn như rau, trái cây, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ giúp duy trì sự cân bằng đường huyết, giảm cholesterol và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
- Tăng lượng chất béo không bão hòa: Chất béo không bão hòa có lợi cho tim mạch, như dầu ô-liu, dầu hạt cải và các loại dầu từ hạt như hạt lanh, hạt chia và hạt hướng dương. Hạn chế chất béo bão hòa từ các nguồn động vật như mỡ động vật, bơ và kem.
- Cung cấp đủ chất dinh dưỡng: Bao gồm đủ lượng các nhóm thực phẩm cần thiết như protein, carbohydrates, vitamin và khoáng chất. Đa dạng hóa khẩu phần ăn và chọn các nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt gà, cá, đậu, lúa mạch, rau xanh và trái cây.
- Giảm tiêu thụ đồ uống có cồn và cafein: Đồ uống chứa cồn và cafein có thể gây tăng huyết áp và tăng tải công tim. Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các loại đồ uống này để giảm yếu tố nguy cơ.
- Uống đủ nước: Giữ cơ thể luôn đủ nước bằng cách uống đủ lượng nước trong ngày.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng: Luôn thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn chi tiết và tư vấn cho trường hợp cụ thể của bạn. Họ sẽ có thể tùy chỉnh chế độ dinh dưỡng dựa trên tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân của bạn.
Phòng ngừa chèn ép tim
Bởi vì bệnh nền hoặc chấn thương đều có thể gây ra tình trạng này nên chèn ép tim cực kỳ khó dự đoán và phòng ngừa. Tuy nhiên, có thể tránh được tình trạng này bằng cách phát hiện và điều trị sớm tràn dịch màng ngoài tim, đặc biệt là sau một chấn thương hoặc với các bệnh lý mà bạn biết mình đang mắc phải.
Phát hiện và điều trị sớm tràn dịch màng ngoài tim giúp phòng ngừa chèn ép tim
Các câu hỏi thường gặp về ép tim
Bao lâu sau khi điều trị chèn ép tim tôi sẽ cảm thấy tốt hơn?
Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn ngay lập tức khi bác sĩ loại bỏ lượng dịch dư thừa ra khỏi màng ngoài tim của bạn. Bạn có thể được đặt ống dẫn lưu trong một hoặc hai ngày để chất lỏng có thể chảy ra ngoài. Siêu âm tim có thể cho thấy lượng dịch còn lại trong màng ngoài tim của bạn. Điều này giúp bác sĩ quyết định khi nào cần tháo ống dẫn lưu.
Làm thế nào để tôi tự chăm sóc bản thân mình?
Khi bạn từ bệnh viện về nhà sau khi điều trị chèn ép tim, hãy tiếp tục dùng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn cho bạn. Việc tuân thủ lịch tái khám cũng rất quan trọng. Chèn ép tim có thể tái đi tái lại nhiều lần. Bác sĩ có thể theo dõi nguyên nhân gây ra nó.
Tôi nên hỏi bác sĩ những câu hỏi gì?
Các câu hỏi mà bạn có thể hỏi bác sĩ điều trị của mình như:
- Tôi sẽ cần siêu âm tim bao lâu một lần để kiểm tra lại?
- Khả năng tôi bị chèn ép tim lần nữa là bao nhiêu?
- Nguyên nhân gây ra chèn ép tim của tôi là gì?
Triển vọng của tôi khi bị chèn ép tim là gì?
Nếu bạn được điều trị nhanh chóng và kịp thời bệnh chèn ép tim, có thể bạn sẽ có tiên lượng tốt. Tiên lượng của bạn trở nên nặng hơn khi bạn được tiếp nhận điều trị chậm trễ.