Tư vấn ngay: 0962956960 - Đại Cát Lộc

Lạc nội mạc ở âm hộ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  • Ngày đăng: 23/05/2024
  • lượt xem: 26 lượt xem

Lạc nội mạc tử cung (Endometrioma) là tình trạng các mô giống nội mạc tử cung di chuyển ra ngoài tử cung của bạn. Lạc nội mạc tử cung thường tìm thấy nhiều nhất ở buồng trứng, tuy nhiên lạc nội mạc tử cung có thể tìm thấy ở mọi nơi. Trong đó, lạc nội mạc tử cung ở âm hộ hay lạc nội mạc ở âm hộ (Vulvar endometriomas) là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp khi mô nội mạc tử cung xuất hiện ở âm hộ.

Tìm hiểu chung

Lạc nội mạc ở âm hộ là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô giống nội mạc tử cung xuất hiện ở các vị trí ngoài tử cung của bạn. Không rõ lý do khiến mô từ niêm mạc tử cung di chuyển đi đến vị trí khác, lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là thuyết kinh nguyệt bị trào ngược.

Lạc nội mạc tử cung thường xuất hiện ở buồng trứng, tuy nhiên có thể tìm thấy ở khắp vùng bụng hoặc thậm chí một vài trường hợp lạc nội mạc tử cung được phát hiện ở vị trí xa như tiểu não.

Trong đó, lạc nội mạc ở âm hộ (Vulvar endometriomas) là tình trạng rất hiếm gặp, được báo cáo với khoảng 300 trường hợp trong y văn kể từ năm 1923. Lạc nội mạc ở âm hộ có thể phát triển tại vị trí của một phẫu thuật trước đó, chẳng hạn như phẫu thuật cắt tầng sinh môn hoặc sửa chữa vết rách ở âm hộ xảy ra trong quá trình sinh nở.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lạc nội mạc ở âm hộ

Lạc nội mạc ở âm hộ có thể gây đau, đặc biệt là đau khi quan hệ tình dục. Lạc nội mạc ở âm hộ cũng phản ứng với hormone giống mô nội mạc tử cung bình thường. Vì vậy chúng có thể to ra và gây đau, đặc biệt trước và trong kỳ kinh nguyệt.

Một số báo cáo người bệnh lạc nội mạc ở âm hộ có các triệu chứng như:

  • Đau bụng kinh kéo dài;
  • Xuất huyết tử cung bất thường (như ra máu kinh nhiều);
  • Vô sinh;
  • Khối ở âm hộ to ra vào thời kỳ kinh nguyệt.

Kinh nguyệt ra nhiều có thể là một triệu chứng của lạc nội mạc ở âm hộ

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lạc nội mạc ở âm hộ

Biến chứng của lạc nội mạc ở âm hộ cũng giống như biến chứng của lạc nội mạc tử cung nói chung. Hai biến chứng chính được đề cập là đau mạn tính (đau vùng âm hộ) và vô sinh. Khối lạc nội mạc ở âm hộ có thể vỡ ra và gây đau đớn dữ dội, loét và nhiễm trùng cũng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể dẫn đến các ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài hoặc tiến triển đến các mô lân cận như cơ vòng hậu môn hay trực tràng và khả năng thoái hóa ác tính.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp các tình trạng như đau khi quan hệ tình dục, đau bụng kinh, ra kinh nhiều, vô sinh hoặc phát hiện khối u ở âm hộ, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Ngoài tình trạng lạc nội mạc ở âm hộ, bạn cũng cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khác như ung thư âm hộ, nang tuyến Bartholin…

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lạc nội mạc ở âm hộ

Nguyên nhân của lạc nội mạc tử cung nói chung vẫn còn bàn cãi. Lý thuyết lâu đời và được chấp nhận rộng rãi nhất là kinh nguyệt ngược dòng dẫn đến sự lây lan vào buồng trứng và vùng chậu. Một lý thuyết khác là do sự lây lan của tế bào nội mạc tử cung theo đường máu và bạch huyết.

Lạc nội mạc ở âm hộ thường xuất hiện chủ yếu sau các chấn thương tầng sinh môn (sinh qua ngã âm đạo, cắt tầng sinh môn, rách tầng sinh môn), nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác nhận rõ ràng.

Tuy nhiên lạc nội mạc ở âm hộ cũng được báo cáo ở các trường hợp không có sang chấn vùng tầng sinh môn trước đó. Những giải thích khác nhau về cơ chế bệnh sinh đã được đưa ra và có khả năng nhất là thuyết lây lan qua đường bạch huyết.

Sự hiện diện của nội mạc tử cung ở môi lớn (bộ phận thuộc vùng âm hộ) có thể giải thích bằng sự lây lan trực tiếp theo dây chằng tròn. Các yếu tố khác có thể liên quan gồm yếu tố miễn dịch, di truyền và gia đình.

Lạc nội mạc ở âm hộ chủ yếu xuất hiện sau các chấn thương tầng sinh môn (ví dụ như cắt tầng sinh môn)

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải lạc nội mạc ở âm hộ?

Lạc nội mạc tử cung nói chung ảnh hưởng đến 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong đó đa số là lạc nội mạc tử cung vùng chậu, lạc nội mạc tử cung ngoài vùng chậu chiếm số lượng ít với khoảng 12% và lạc nội mạc ở âm hộ còn hiếm gặp hơn. Lạc nội mạc ở âm hộ có thể gặp ở phụ nữ sau khi sinh qua đường âm đạo. Lạc nội mạc ở âm hộ cũng gặp ở phụ nữ thực hiện các thủ thuật phẫu thuật ở vùng âm hộ như cắt tầng sinh môn, vết rách sản khoa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lạc nội mạc ở âm hộ

Vì sự hiếm gặp của tình trạng lạc nội mạc ở âm hộ, các nghiên cứu không đủ để kết luận nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ chắc chắn nào. Các yếu tố nguy cơ có thể liên quan bao gồm:

  • Sinh qua ngã âm đạo;
  • Sau khi điều trị lạc nội mạc tử cung bằng phẫu thuật;
  • Các thủ thuật, phẫu thuật ở tầng sinh môn (cắt tầng sinh môn, rách tầng sinh môn khi sinh).

Tuy nhiên, lạc nội mạc ở âm hộ cũng đã được báo cáo ở những người bệnh không có bất kỳ chấn thương âm hộ - âm đạo nào trước đó.

Sinh qua ngã âm đạo có thể là một yếu tố nguy cơ của lạc nội mạc ở âm hộ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lạc nội mạc ở âm hộ

Việc chẩn đoán và điều trị sớm lạc nội mạc ở âm hộ được khuyến khích để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Chẩn đoán đầu tiên chủ yếu dựa vào hỏi tiền căn, bệnh sử và khám lâm sàng, bao gồm:

  • Tiền căn: Bác sĩ có thể hỏi bạn về tiền căn tổn thương vùng tầng sinh môn, có thể do sinh nở, cắt hoặc rách tầng sinh môn.
  • Bệnh sử: Các đặc điểm của lạc nội mạc âm hộ như sưng và đau liên quan chu kỳ kinh nguyệt.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện khám đầy đủ và khám vùng âm hộ, âm đạo của bạn, có thể bao gồm cả khám bằng tay và khám bằng mỏ vịt để quan sát đầy đủ các tổn thương.

Thực tế trên lâm sàng, khó có thể phân biệt được lạc nội mạc ở âm hộ lành tính hay ác tính, đôi khi cắt bỏ và sinh thiết được thực hiện để chẩn đoán.

Siêu âm đáy chậu, chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu hoặc nội soi có thể được thực hiện để quan sát tổn thương lạc nội mạc ở âm hộ và để phân biệt với các tình trạng khác.

Điều trị lạc nội mạc ở âm hộ

Nội khoa

Lạc nội mạc ở âm hộ được điều trị bằng phẫu thuật, có thể kèm hoặc không kèm liệu pháp nội tiết. Sử dụng nội tiết tố có thể giúp giảm triệu chứng của lạc nội mạc ở âm hộ, nhưng phẫu thuật vẫn là điều trị tốt nhất cho tình trạng này.

Điều trị nội khoa lạc nội mạc ở âm hộ có thể gồm liệu pháp nội tiết tố thay thế như thuốc tránh thai, progestin hay chất chủ vận GnRH.

Điều trị nội khoa với liệu pháp nội tiết tố có thể giúp giảm các triệu chứng của lạc nội mạc ở âm hộ

Ngoại khoa

Thông thường, việc cắt bỏ hoàn toàn là phương pháp điều trị được lựa chọn vì nó làm giảm nguy cơ tái phát lạc nội mạc ở âm hộ và có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa ác tính. Quy trình phẫu thuật cần tránh làm vỡ khối, tránh để lại tàn dư lạc nội mạc. Loại phẫu thuật được lựa chọn dựa trên độ tuổi của người bệnh và mong muốn có thai trong tương lai.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của lạc nội mạc ở âm hộ

Để hạn chế diễn tiến của lạc nội mạc ở âm hộ, điều bạn cần làm bao gồm:

  • Điều quan trọng là bạn cần tuân thủ điều trị để hạn chế diễn tiến của bệnh.
  • Tái khám để theo dõi định kỳ vì một số ít trường hợp lạc nội mạc ở âm hộ có thể tiến triển ác tính.
  • Sau khi điều trị phẫu thuật, lạc nội mạc âm hộ vẫn có thể tái phát, do đó hãy tự theo dõi các triệu chứng và đến gặp bác sĩ nếu có bất thường.

Phòng ngừa lạc nội mạc ở âm hộ

Do chưa biết rõ về nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ của lạc nội mạc ở âm hộ nên không có cách để phòng ngừa hiệu quả tình trạng này. Việc được chẩn đoán và điều trị sớm là quan trọng vì giúp giải quyết các triệu chứng, tình trạng khó chịu gây ảnh hưởng đến cuộc sống và hạn chế các biến chứng của lạc nội mạc ở âm hộ.

Các câu hỏi thường gặp về lạc nội mạc ở âm hộ

Lạc nội mạc ở âm hộ là lành tính hay ác tính?

Hầu hết các trường hợp lạc nội mạc ở âm hộ là lành tính. Tuy nhiên, lạc nội mạc âm hộ cũng có thể tiến triển ác tính nhưng với một tỷ lệ rất thấp.

Tôi có cần phải phẫu thuật nếu mắc lạc nội mạc ở âm hộ không?

Nếu mắc lạc nội mạc ở âm hộ, bạn cần được phẫu thuật. Cắt bỏ hoàn toàn nên là phương pháp điều trị được lựa chọn vì nó giúp giảm nguy cơ tái phát do đó làm giảm nguy cơ thoái hóa ác tính của bệnh.

Điều trị lạc nội mạc ở âm hộ bằng nội tiết tố có lợi ích gì?

Việc điều trị bằng nội tiết tố có thể được chỉ định nhằm giảm triệu chứng, giảm kích thước của khối lạc nội mạc trước khi phẫu thuật hoặc để tránh tái phát lạc nội mạc.

Tôi có cần theo dõi tiếp nếu đã điều trị bằng phẫu thuật lạc nội mạc ở âm hộ không?

Bạn nên được theo dõi lâu dài vì sự biến đổi ác tính của lạc nội mạc dường như không chắc chắn và khó có thể đoán trước được. Việc tái khám và theo dõi giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm tình trạng tái phát hoặc tiến triển ác tính (nếu có).

Tôi có cần phải chụp MRI để chẩn đoán lạc nội mạc ở âm hộ không?

Mặc dù chẩn đoán lạc nội mạc ở âm hộ có thể dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Tuy nhiên, bạn có thể cần phải chụp MRI để chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khác nếu có nghi ngờ.

Bài viết liên quan

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Messenger