Tư vấn ngay: 0962956960 - Đại Cát Lộc

Cảm lạnh bệnh lý phổ biến cần nhận biết dấu hiệu và điều trị đúng cách

  • Ngày đăng: 22/05/2024
  • lượt xem: 11 lượt xem

Cảm lạnh là một bệnh lý đường hô hấp do bị nhiễm virus gây ra cảm giác mệt mỏi kèm theo các triệu chứng ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Cảm lạnh phổ biến hay gặp ở đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu như người bị bệnh mãn tính, người lớn tuổi hoặc trẻ em.

Tìm hiểu chung

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là một loại bệnh nhiễm trùng mũi và họng (đường hô hấp trên) do virus gây ra. Khi thời tiết thay đổi hoặc khi sức đề kháng giảm tạo cơ hội cho nhiều loại virus tấn công cơ thể gây cảm lạnh. Theo thống kê thông thường vào mỗi năm người lớn khỏe mạnh có thể bị cảm lạnh hai hoặc ba lần còn đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi sức đề kháng yếu hơn có thể bị cảm lạnh thường xuyên hơn.

Hầu hết mọi người khỏi cảm lạnh trong một tuần hoặc 10 ngày. Bệnh nhân không vì vậy mà chủ quan vì nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Bạn nên đến thăm khám bác sĩ khi các triệu chứng diễn tiến nặng hoặc kéo dài không giảm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh

Các triệu chứng của cảm lạnh thường xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi tiếp xúc với virus gây cảm lạnh, có thể bao gồm:

  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì hơi liên tục.
  • Viêm họng, ho khan hoặc ho có đờm.
  • Đau cơ thể nhẹ hoặc nhức đầu nhẹ.
  • Sốt nhẹ.
  • Khó thở, nghẹt mũi.
  • Dịch chảy ra từ mũi của bạn có thể bắt đầu trong và trở nên đặc hơn và có màu vàng hoặc xanh lá cây khi cảm lạnh thông thường diễn ra. Điều này thường không có nghĩa là bạn bị nhiễm vi khuẩn.

Biến chứng có thể gặp khi bị cảm lạnh

Cảm lạnh thông thường sau vài ngày sẽ tự khỏi nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn tới một số biến chứng như sau:

  • Nhiễm trùng tai cấp tính (viêm tai giữa): Khi virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ nằm ở tai giữa dễ có nguy cơ nhiễm trùng tai cấp tính. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm đau tai hoặc sốt trở lại sau cảm lạnh thông thường.
  • Hen suyễn: Cảm lạnh khiên đường hô hấp bị tắc nghẽn gây khó thở khò khè, kể cả khi bạn không có dấu hiệu bị hen suyễn. Nếu bạn bị hen suyễn, cảm lạnh có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn.
  • Viêm xoang cấp tính: Ở người lớn hoặc trẻ em, cảm lạnh thông thường không khỏi có thể dẫn đến sưng, đau (viêm) và nhiễm trùng xoang.
  • Nhiễm trùng khác: Cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng khác, bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi và viêm thanh khí phế quản hoặc viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Những nhiễm trùng này cần được điều trị bởi bác sĩ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bị cảm lạnh thông thường, bạn có thể không cần tới sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn như sau, bạn cần đi khám bác sĩ.

  • Khó thở hoặc thở nhanh, suy hô hấp.
  • Mất nước hoặc tình trạng thiếu nước kéo dài.
  • Sốt kéo dài hơn 4 ngày.
  • Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh kéo dài hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Các triệu chứng, chẳng hạn như sốt hoặc ho, cải thiện nhưng sau đó quay trở lại hoặc trầm trọng hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cảm lạnh

Có nhiều loại virus có thể gây cảm lạnh nhưng virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus phổ biến nhất. Các loại virus cảm lạnh thường tấn công vào cơ thể qua các đường mắt, mũi, miệng. Khi bạn tiếp xúc chạm vào cơ thể người bị cảm lạnh hoặc sử dụng chung đồ vật với người bị cảm có thể tăng nguy cơ bị bệnh. Ngoài ra khi bạn nói chuyện ở khoảng cách gần hoặc khi hắt hơi, sổ mũi, ho thì các giọt bắn có thể lây lan trong không khí làm tăng khả năng bị bệnh cảm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị cảm lạnh?

Tất cả mọi người ai cũng đều có nguy cơ mắc cảm lạnh. Tuy nhiên một số đối tượng sau có nguy cơ mắc cảm lạnh cao hơn:

  • Trẻ nhỏ khoảng dưới 6 tuổi do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn.
  • Người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, đặc biệt là người mắc bệnh mãn tính hoặc mới bị ốm gần đây, bạn có nhiều khả năng nhiễm virus cảm lạnh.
  • Những người hút thuốc có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn và cảm lạnh của họ có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cảm lạnh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cảm lạnh, bao gồm:

  • Tuổi tác: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ bị cảm lạnh cao nhất, đặc biệt nếu chúng dành nhiều thời gian ở các cơ sở chăm sóc trẻ em.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Bị bệnh mãn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ của bạn.
  • Thời gian trong năm: Cả trẻ em và người lớn đều có nhiều khả năng bị cảm lạnh vào mùa thu và mùa đông, nhưng bạn có thể bị cảm lạnh bất cứ lúc nào.
  • Hút thuốc: Bạn có nhiều khả năng bị cảm lạnh và cảm lạnh nặng hơn nếu bạn hút thuốc hoặc ở gần người hút thuốc lá.
  • Phơi nhiễm: Nếu bạn ở gần đám đông, chẳng hạn như ở trường học hoặc trên máy bay, bạn có khả năng tiếp xúc với virus gây cảm lạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cảm lạnh

Chẩn đoán cảm lạnh không biến chứng hiếm khi cần thăm khám bác sĩ. Nhận biết các triệu chứng cảm lạnh thường là tất cả những gì bạn cần để tìm ra bệnh của mình.

Tất nhiên, nếu các triệu chứng của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 10 ngày, hãy hẹn gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của bạn. Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn bị cảm lạnh, bạn có thể chỉ cần điều trị các triệu chứng của mình cho đến khi virus ngưng phát triển. Nhưng nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của mình trở nên tồi tệ hơn sau ngày thứ 5 hoặc nếu bạn không bắt đầu cảm thấy khá hơn sau một tuần, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ vì có thể bạn đã mắc một bệnh khác.

Phương pháp điều trị cảm lạnh hiệu quả

Cảm lạnh là bệnh lý điều trị khá đơn giản, không có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị cải thiện triệu chứng của bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh các loại thuốc OTC phổ biến nhất được sử dụng cho cảm lạnh bao gồm:

  • Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi có tác dụng giảm nghẹt mũi và làm thông thoáng đường hô hấp.
  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamine giúp ngăn ngừa hắt hơi và cũng làm dịu các triệu chứng sổ mũi.
  • Thuốc giảm đau: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve) và aspirin có thể giúp giảm đau nhức cơ thể, viêm và các triệu chứng sốt.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cảm lạnh

Chế độ sinh hoạt:

  • Súc miệng bằng nước muối: Súc miệng bằng nước muối có thể giúp bao phủ cổ họng của bạn và giảm kích ứng.
  • Uống nhiều nước: Giữ đủ nước giúp bạn thay thế chất lỏng mà bạn đã mất đồng thời giúp giảm tắc nghẽn.
  • Xông hơi từ thảo dược giúp hô hấp thông thoáng và giảm bớt tắc nghẽn.
  • Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi nhiều sẽ giúp cơ thể bạn tiết kiệm năng lượng mau chóng hồi phục sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Súp gà đặc biệt tốt cho cảm lạnh: Chất lỏng ấm rất tốt cho việc giúp mở các xoang để bạn có thể thở dễ dàng hơn và muối từ súp có thể làm dịu các mô cổ họng bị kích thích.
  • Trà nóng hoặc nước lọc ấm rất phù hợp cho người bị cảm lạnh: Bạn có thể thêm ít mật ong hoặc vài lát gừng có thể làm dịu họng và giảm nghẹt mũi.
  • Sữa chua có chứa hàng tỷ vi khuẩn có lợi cho hệ vi sinh đường ruột giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, từ đó giúp phòng bệnh cảm lạnh tốt hơn.

Phương pháp phòng ngừa cảm lạnh hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Rửa tay: Rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn có chứa ít nhất 60% cồn.
  • Khử trùng đồ đạc của bạn: Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa, công tắc đèn, đồ điện tử, mặt bàn bếp và phòng tắm hàng ngày. Điều này đặc biệt quan trọng khi có người trong gia đình bạn bị cảm lạnh.
  • Khi ho hoặc hắt hơi bạn cần dùng khăn giấy hoặc che miệng lại. Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng ngay vào thùng rác, sau đó rửa tay kỹ lưỡng. Nếu bạn không có khăn giấy, hãy hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay và sau đó rửa tay.
  • Không dùng chung ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống với các thành viên khác trong gia đình. Sử dụng cốc thủy tinh của riêng bạn hoặc dán nhãn cốc hoặc ly với tên của người sử dụng nó.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh và cần tránh xa đám đông ít nhất khi có thể. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của bạn vào người bệnh.
  • Chăm sóc bản thân: Ăn uống điều độ, tập thể dục và ngủ đủ giấc sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn.

Bài viết liên quan

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Messenger