Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes truyền từ người sang người, thường xảy ra ở các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Có bốn loại vi rút gây sốt xuất huyết (DENV-1, -2, -3 và -4). Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết do 1 trong 4 loại vi rút Dengue chỉ có miễn dịch với đúng loại vi rút đó. Vì vậy, một người theo lý thuyết có thể bị nhiễm tới bốn lần.
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes truyền từ người sang người, xảy ra ở các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể có nhiều triệu chứng khác nhau từ mức độ nhẹ đến nặng. Đặc điểm chính của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết thương.
Đôi khi bệnh có thể gây ra biến chứng sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu, suy tạng và nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Hiện tại bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết vì vậy điều trị triệu chứng là chủ yếu. Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Ở một số trường hợp, bệnh có thể nặng lên và gây đe doạ tính mạng.
Tình trạng này gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Do đó bệnh nhân cần được khám, dặn dò các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất nếu có các biến chứng do sốt xuất huyết xảy ra.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể có nhiều triệu chứng khác nhau với mức độ từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng thường xuất hiện sau 4 - 10 ngày từ khi bệnh nhân bị muỗi chích mang mầm bệnh vào máu và các triệu chứng này có thể nhầm lẫn với các bệnh khác như cúm, cảm lạnh…
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue thường sốt cao (39 - 40 độ C), đột ngột, liên tục kéo dài 3 - 4 ngày và có thể kèm các triệu chứng sau:
Đau đầu;
Đau nhức cơ, xương, khớp;
Nhức hốc mắt;
Buồn nôn, nôn ói;
Nổi ban da, da niêm xung huyết.
Ngoài ra cần lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo, thường xuất hiện sau khi hết giai đoạn sốt khoảng 24 - 48 giờ như:
Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan;
Vật vã, lừ đừ, li bì;
Nôn ói nhiều (ít nhất 3 lần trong 24 giờ);
Chảy máu nướu răng, chảy máu mũi;
Nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen.
Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Ở một số trường hợp, bệnh có thể nặng lên và gây đe doạ tính mạng. Tình trạng này gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo (xem phần dấu hiệu và triệu chứng) vì các dấu hiệu này có thể gợi ý tình trạng bệnh nhân sốt xuất huyết có nguy cơ chuyển nặng và đe doạ tính mạng.
Sốt xuất huyết Dengue nặng có thể bao gồm các biến chứng sau đây:
Sốc xuất huyết;
Xuất huyết nội tạng;
Suy chức năng các cơ quan;
Tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Vi rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có bốn tuýp huyết thanh (DENV-1, -2, -3 và -4). Bệnh lây thông qua vector truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti). Khi nhiễm một loại vi rút DENV thì bệnh nhân có khả năng miễn dịch đối với loại vi rút đó suốt đời nhưng không có miễn dịch lâu dài đối với các tuýp vi rút khác. Vì vậy, một người có thể bị nhiễm tới bốn lần.
Do muỗi vằn là trung gian truyền bệnh chủ yếu từ người qua người nên những người sinh sống hoặc từng đi đến những vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, bao gồm:
Các bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng sốt xuất huyết bằng xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện vi rút hoặc kháng thể của virus. Nếu bạn bắt đầu có triệu chứng sau khi đi đến hoặc đang sinh sống tại khu vực có dịch tễ bệnh sốt xuất huyết, hãy cho bác sĩ của bạn biết. Điều này sẽ cho phép bác sĩ đánh giá khả năng các triệu chứng của bạn là do sốt xuất huyết.
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết, vì vậy điều trị triệu chứng là chủ yếu. Điều trị bao gồm:
Chế độ sinh hoạt:
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Chế độ dinh dưỡng:
Ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tích cực uống nhiều nước, điện giải như dung dịch oresol mỗi ngày.
Tránh các loại thức ăn, nước uống có màu đỏ sẫm như củ dền, nước ngọt xá xị, sôcôla, huyết động vật,… để tránh nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hoá.
Hiện tại do vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết nên việc phòng bệnh là phương pháp chính để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Ngủ mùng.
Sử dụng các thuốc bôi chống muỗi.
Diệt muỗi và lăng quăng bằng cách dọn dẹp nơi ao tù nước đọng, giữ nhà cửa sạch sẽ thoát mát.
Không để các dụng cụ như lu, chum, vại để chứa nước hoặc nếu có phải có nắp đậy và thường xuyên thay rửa, loại bỏ nước đọng.
Khi cần tham gia các hoạt động ngoài trời nên mặc quần áo dài tay hoặc mang vớ để tránh bị muỗi đốt.