Tư vấn ngay: 0962956960 - Đại Cát Lộc

Henoch schonlein là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ban xuất huyết henoch schonlein

  • Ngày đăng: 23/05/2024
  • lượt xem: 31 lượt xem

Ban xuất huyết henoch schonlein là bệnh ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu và gây phát ban. Tình trạng bệnh lý này thường có tiên lượng không nghiêm trọng nhưng đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề ở thận. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh này.

Tìm hiểu chung

Henoch schonlein là gì?

Viêm mạch IgA, trước đây còn gọi là ban xuất huyết henoch schonlein (Henoch-Schönlein), là một bệnh mà các kháng thể globulin miễn dịch A tích tụ trong các mạch máu nhỏ, sau đó dẫn đến viêm và rò rỉ thành mạch. Gần như tất cả những người mắc henoch schonlein đều phát ban đỏ hoặc tím. Một số người bệnh henoch schonlein cũng xuất hiện các vấn đề về đường tiêu hóa, khớp và thận do các mạch máu ở ruột, khớp và thận bị viêm. Trong một số ít trường hợp, phổi, hệ thần kinh hoặc các cơ quan khác có thể bị ảnh hưởng.

Hầu hết người bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau bệnh henoch schonlein. Tuy nhiên, bệnh đôi khi nặng hơn và có thể dẫn đến tổn thương thận cấp, có thể tiến triển thành bệnh thận mạn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh henoch schonlein

Các triệu chứng của bệnh henoch schonlein bao gồm:

  • Phát ban: Thành mạch bị rò rỉ gây phát ban giống như vết bầm tím hoặc chấm đỏ nhỏ. Phát ban thường xuất hiện ở chân và mông, nhưng cũng có thể xuất hiện ở cánh tay, thân mình và mặt. Phát ban không đau và không ngứa.
  • Vấn đề về đường tiêu hóa: Đau bụng có thể từ nhẹ đến nặng, kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Trong phân có thể xuất hiện máu, mặc dù tình trạng chảy máu thường không nghiêm trọng. Trong một số ít trường hợp, các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra như lồng ruột, khiến người bệnh bị tắc ruột.
  • Đau khớp và sưng khớp: Đau và sưng thường xảy ra ở gối và mắt cá chân, đôi khi xảy ra ở khuỷu tay, cổ tay và các khớp nhỏ của ngón tay.
  • Vấn đề về thận: Tiểu máu (tiểu đỏ, có máu trong nước tiểu) là dấu hiệu thường gặp cho thấy bệnh henoch schonlein đã ảnh hưởng đến thận. Protein niệu (một lượng lớn protein trong nước tiểu) và sự xuất hiện của tình trạng cao huyết áp là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn về thận.
  • Các triệu chứng khác: Trong một số trường hợp, các bé trai bị bệnh henoch schonlein sẽ bị sưng tinh hoàn. Các triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như co giật, và ở phổi, chẳng hạn như viêm phổi, trong một số trường hợp hiếm gặp.

Phát ban, đau bụng, đau và sưng khớp thường là những triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Các triệu chứng liên quan đến thận hiếm khi là triệu chứng đầu tiên.

Người bệnh henoch schonlein có thể xuất hiện triệu chứng đau và sưng khớp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Bạn xuất hiện các triệu chứng của bệnh henoch schonlein nêu trên và chúng kéo dài hơn một vài ngày.
  • Bạn có nước tiểu thay đổi màu sắc hoặc lượng nước tiểu ít đi đột ngột.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh henoch schonlein

Bệnh henoch schonlein xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn tấn công các tế bào và cơ quan của chính bạn. Các nhà nghiên cứu khoa học chưa biết được nguyên nhân gây ra phản ứng bất thường này của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, họ ghi nhận nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên trước khi mắc bệnh henoch schonlein. Bệnh henoch schonlein cũng có liên quan đến:

  • Vi khuẩn và virus;
  • Thực phẩm;
  • Tiêm chủng;
  • Côn trùng cắn;
  • Một số loại thuốc.

Một số gen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh henoch schonlein.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh henoch schonlein?

Bệnh henoch schonlein rất hiếm. Số trường hợp mới mắc là khoảng 3 – 27 trường hợp trên 100.000 dân ở trẻ em và trẻ sơ sinh; và ít hơn 2 trường hợp mới mắc trên 100.000 dân mỗi năm ở người lớn.

Bệnh henoch schonlein thường gặp nhất ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 4 đến 7, nhưng mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng.

Bạn có thể dễ mắc bệnh henoch schonlein hơn nếu bạn có tiền căn gia đình mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh henoch schonlein

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh henoch schonlein bao gồm:

  • Tuổi: Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi.
  • Giới tính: Bệnh henoch schonlein thường gặp ở nam hơn so với nữ.
  • Chủng tộc: Trẻ em người da trắng và châu Á có nhiều khả năng mắc bệnh henoch schonlein hơn trẻ em da đen.

Bệnh henoch schonlein thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm henoch schonlein

Không có xét nghiệm đặc hiệu nào cho bệnh henoch schonlein và nó có thể bị nhầm lẫn với các dạng viêm mạch khác. Bác sĩ sẽ kết hợp các dấu hiệu và triệu chứng để đưa ra chẩn đoán xác định.

Ví dụ, sự xuất hiện của các triệu chứng, bao gồm phát ban, đau bụng và viêm khớp, thường gợi ý cho bệnh henoch schonlein. Khả năng chẩn đoán bệnh henoch schonlein thậm chí còn cao hơn nếu có kháng thể lắng đọng trên da.

Sự xuất hiện của máu hoặc protein trong nước tiểu thường chỉ ra các vấn đề về thận và có thể gợi ý bệnh henoch schonlein nếu có phát ban xuất hiện đồng thời.

Các cận lâm sàng sau đây có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh henoch schonlein:

  • Sinh thiết da: Mô da được lấy và kiểm tra để tìm bằng chứng về kháng thể.
  • Sinh thiết thận: Bác sĩ sẽ sử dụng kim sinh thiết vào thận dưới hướng dẫn của hình ảnh học để lấy mẫu mô.
  • Tổng phân tích nước tiểu: Bác sĩ sẽ đánh giá các thông số để tìm dấu hiệu chỉ điểm bất thường về thận.

Điều trị henoch schonlein

Hiện nay chưa có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh henoch schonlein, nhưng hầu hết các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.

Các cơn đau khớp có thể được kiểm soát bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

Nếu thận của bạn bị tổn thương, bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế miễn dịch. Trong một số ít trường hợp, có thể phải nhập viện vì đau bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc các vấn đề về thận.

Nếu dị ứng là nguyên nhân gây ra bệnh henoch schonlein, thì người bệnh nên cố gắng tránh các loại thực phẩm hoặc thuốc mà mình bị dị ứng. Nếu nguyên nhân là nhiễm liên cầu khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn.

Những người mắc bệnh henoch schonlein gây bệnh thận tiến triển và suy thận có thể được chạy thận nhân tạo để hỗ trợ lọc máu.

Một số trường hợp người bệnh henoch schonlein cần được lọc máu để điều trị

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh henoch schonlein

Chế độ sinh hoạt:

Dưới đây là một số chế độ sinh hoạt gợi ý cho người bệnh henoch schonlein:

  • Tránh các chất kích thích: Hạn chế sử dụng cafein, cồn và thuốc lá, vì chúng có thể làm tăng tình trạng viêm.
  • Điều chỉnh hoạt động thể chất: Hạn chế hoạt động thể chất quá mức hoặc quá căng thẳng. Tuy nhiên, nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đều đặn như đi bộ, yoga hoặc tập thể dục nhẹ có thể giúp cải thiện sức khỏe chung.
  • Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày để tránh nhiễm trùng và bệnh tật.
  • Kiểm soát căng thẳng: Học cách quản lý căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Có thể áp dụng các kỹ thuật thư giãn như yoga, thái cực quyền hoặc hít thở sâu để giảm căng thẳng.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ: Luôn tuân thủ các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị, bao gồm việc sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian quy định.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh henoch schonlein nên tập trung vào việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết và hỗ trợ quá trình phục hồi. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Tăng cường tiêu thụ rau quả: Rau quả tươi cung cấp nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi. Hãy ưu tiên các loại rau quả có màu sắc đậm như cà chua, cà rốt, cải bó xôi, và các loại trái cây như dứa, cam, kiwi.
  • Tiêu thụ các nguồn thực phẩm giàu protein: Cung cấp các nguồn protein như thịt gà, cá, trứng, đậu, hạt, và sữa và sản phẩm từ sữa để tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Hạn chế natri: Giảm tiêu thụ muối và thực phẩm chứa natri cao, như thức ăn nhanh, đồ chiên, và thức ăn chế biến. Muối có thể gây tác động tiêu cực đến việc duy trì cân bằng nước trong cơ thể và tăng nguy cơ viêm mạch.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Uống nước tinh khiết, nước trái cây không đường, nước lọc, và tránh các loại đồ uống có cồn và cafein.
  • Có chế độ ăn uống cân đối: Đảm bảo cung cấp đủ các nhóm thực phẩm cần thiết, bao gồm các loại tinh bột, protein, chất béo tốt và chất xơ.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng: Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Luôn tuân thủ các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để đảm bảo bạn có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp cho tình trạng cụ thể của mình.

Phòng ngừa bệnh henoch schonlein

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa bệnh henoch schonlein. Nếu thận của bạn bị ảnh hưởng bởi bệnh này, các phương pháp điều trị có thể giúp ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn ở thận. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về các phương pháp điều trị và tuân thủ theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ của bạn khuyến nghị.

Người bệnh henoch schonlein nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

Các câu hỏi thường gặp về bệnh henoch schonlein

Bệnh henoch schonlein có lây không?

Không, bệnh henoch schonlein không lây nhiễm và không lây lan qua tiếp xúc giữa người với người.

Tiên lượng của bệnh henoch schonlein là gì?

Bệnh henoch schonlein thường trở nên tốt hơn. Hai phần ba trẻ mắc bệnh henoch schonlein chỉ có một đợt. Một phần ba trẻ em có nhiều đợt mắc hơn. Người bệnh nên theo dõi y tế chặt chẽ trong 6 tháng sau các đợt mắc bệnh để tầm soát các vấn đề ở thận. Người trưởng thành có nguy cơ diễn tiến bệnh thận mạn cao hơn.

Biến chứng của bệnh henoch schonlein là gì?

Biến chứng có thể có bao gồm:

  • Xuất huyết bên trong cơ thể;
  • Tắc ruột (ở trẻ em);
  • Các vấn đề về thận (hiếm gặp).

Có cách điều trị khỏi bệnh henoch schonlein không?

Không, không có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh henoch schonlein. Hiện nay, các nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu thêm về tình trạng này.

Bao lâu sau khi điều trị, con tôi sẽ cảm thấy khỏe hơn?

Các triệu chứng của bệnh henoch schonlein có thể kéo dài từ 2 đến 12 tuần và thông thường các triệu chứng sẽ hết sau một tháng. Một số ít trường hợp, các triệu chứng có thể quay trở lại.

Bài viết liên quan

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Messenger