Tư vấn ngay: 0962956960 - Đại Cát Lộc

Thân chung động mạch là gì? Có nguy hiểm hay không?

  • Ngày đăng: 23/05/2024
  • lượt xem: 22 lượt xem

Thân chung động mạch là một bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp trong đó trẻ chỉ có một động mạch chung duy nhất xuất phát từ tim thay vì hai động mạch thông thường là động mạch chủ và động mạch phổi. Bệnh thường xảy ra cùng với tình trạng thông liên thất khiến máu giàu và nghèo oxy trộn lẫn khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Thân chung động mạch là một tình trạng đe dọa tính mạng và đòi hỏi cần phẫu thuật ngay sau sinh.

Tìm hiểu chung

Thân chung động mạch là gì?

Thân chung động mạch là một dị tật tim bẩm sinh gây tím, đặc trưng bởi thông liên thất, đơn van và chung buồng thất. Bệnh xảy ra khi mạch máu ở tim trẻ không tách rời hoàn toàn trong quá trình phát triển của trẻ khiến động mạch chủ và động mạch phổi vẫn còn dính với nhau. Ngoài ra, trẻ còn có một lỗ giữa hai tâm thất của tim hay còn gọi là thông liên thất. Bệnh thân chung động mạch được coi là bệnh tim bẩm sinh nặng.

Ở trẻ không có bệnh tim bẩm sinh, tâm thất phải sẽ bơm máu nghèo oxy qua động mạch phổi đến phổi. Tâm thất trái bơm máu giàu oxy qua động mạch chủ để đến những nơi khác trong cơ thể.

Ở trẻ mắc bệnh thân chung động mạch, máu nghèo oxy và máu giàu oxy bị trộn lẫn và có quá nhiều máu đi đến phổi khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để có thể bơm máu đến toàn cơ thể. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh thân chung động mạch thay vì có van động mạch chủ và van động mạch phổi thì lại chỉ có một van chung duy nhất. Van này thường dày lên và hẹp khiến máu khi ra khỏi tim ít hơn bình thường.

Những bất thường tim khác có thể xuất hiện chung với bệnh thân chung động mạch:

  • Thông liên nhĩ: Lỗ xuất hiện trên vách liên nhĩ - thành ngăn cách hai buồng nhĩ của tim.
  • Đứt đoạn cung động mạch chủ.
  • Còn ống động mạch: Sự kết nối bất thường giữa động mạch chủ và động mạch phổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thân chung động mạch

Trẻ mắc bệnh thân chung động mạch thường có dấu hiệu suy nhược và nguy hiểm ngay sau khi sinh vì tim phải làm việc quá sức để bơm máu. Các dấu hiệu khác của bệnh gồm:

  • Da hơi xanh hoặc tím;
  • Tăng trưởng và phát triển chậm;
  • Khó thở, thở nhanh;
  • Thường xuyên ngủ gà;
  • Âm thổi tim;
  • Ăn kém, tăng cân chậm;
  • Nhịp tim nhanh hoặc mạch yếu;
  • Đổ mồ hôi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thân chung động mạch

Bệnh thân chung động mạch không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Rối loạn nhịp tim;
  • Suy tim;
  • Tim phì đại;
  • Tăng áp động mạch phổi;
  • Đột quỵ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh thân chung động mạch có thể được phát hiện khi bạn đi khám thai định kỳ. Tuy nhiên, trường hợp trẻ chưa được phát hiện bệnh trong giai đoạn thai kỳ, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây hãy đi khám bác sĩ ngay:

  • Trẻ xuất hiện tình trạng thờ ơ;
  • Trẻ thường xuyên mệt mỏi hoặc khó thở;
  • Ăn kém, chán ăn;
  • Trẻ phát triển và tăng trưởng chậm.

Đối với trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh thân chung động mạch, trẻ có da, môi hoặc móng tay có màu xanh hay tím hoặc trẻ có tình trạng khó thở cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay.

Trẻ có các dấu hiệu của thân chung động mạch cần được điều trị ngay

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thân chung động mạch

Nguyên nhân gây ra bệnh thân chung động mạch ở hầu hết trẻ sơ sinh vẫn chưa được hiểu rõ. Thân chung động mạch xảy ra do quá trình phát triển phôi học của thai nhi bất thường. Bình thường, khi thai phát triển thân chung sẽ chia thành động mạch chủ và động mạch phổi. Khi sự phân chia không xảy ra sẽ gây bệnh thân chung động mạch.

Một số trẻ bị bệnh tim bẩm sinh là do thay đổi bất thường của gen hoặc nhiễm sắc thể. Bệnh tim bẩm sinh cũng có thể là do sự kết hợp của gen và các yếu tố nguy cơ khác như những chất độc mà người mẹ tiếp xúc, những thực phẩm mẹ ăn uống hoặc thuốc mà mẹ sử dụng trong thời gian mang thai.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thân chung động mạch?

Bệnh thân chung động mạch là bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp. Nó xảy ra ở khoảng 1 trên 10.000 trẻ sinh ra và ảnh hưởng như nhau ở cả bé trai và bé gái.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh thân chung động mạch

Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh thân chung động mạch. Một số tình trạng xảy ra trong thời kỳ mang thai của mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:

  • Đái tháo đường thai kỳ: Các nghiên cứu cho thấy, những người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nặng trong giai đoạn mang thai có tỷ lệ con mắc bệnh thân chung động mạch cao hơn.
  • Sử dụng rượu quá mức.
  • Sử dụng thuốc.
  • Nhiễm Rubella hoặc virus khác.

Mắc Rubella khi mang thai là một yếu tố nguy cơ gây bệnh

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thân chung động mạch

Bệnh thân chung động mạch có thể được chẩn đoán trong thời gian mang thai hoặc ngay sau khi em bé được sinh ra.

Trong thời gian mang thai

Các xét nghiệm sàng lọc trong thời gian mang thai nhằm phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh và các tình trạng bệnh lý bẩm sinh khác. Khi nghi ngờ bé mắc bệnh thân chung động mạch, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tim thai để xác nhận chẩn đoán. Xét nghiệm này giúp phát hiện các vấn đề với cấu trúc tim và cách tim hoạt động với tình trạng khuyết tật này.

Sau khi em bé được sinh ra

Trẻ sau khi sinh ra mắc bệnh thân chung động mạch thường da có màu hơi xanh vì máu không đủ oxy. Có thể nghe thấy tiếng thổi ở tim khi khám tim. Nếu nghi ngờ bé mắc bệnh, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tim để xác nhận chẩn đoán. Ngoài ra, bạn có thể sàng lọc cho trẻ bằng xét nghiệm đo nồng độ oxy trong máu của trẻ.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm thực hiện trên trẻ mắc bệnh thân chung động mạch chủ yếu giúp lên kế hoạch điều trị hơn là chẩn đoán. Các xét nghiệm khác:

  • Siêu âm tim: Là xét nghiệm chính để chẩn đoán bệnh thân động mạch chủ. Siêu âm tim Doppler giúp đánh giá tình trạng co bóp của tim, lưu lượng động mạch phổi, tình trạng hở van hoặc hẹp van.
  • Điện tâm đồ: Kết quả điện tâm đồ có thể không giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác. Tuy nhiên, trên điện tâm đồ vẫn có thể phát hiện tình trạng phì đại hai tâm thất, phì đại nhĩ là những dấu hiệu đặc trưng.
  • X-quang ngực: Hình ảnh tim to và mạch máu phổi hiện rõ trên hình ảnh có thể gợi ý bệnh thân chung động mạch.
  • Chụp CT-scan và MRI tim: Hiếm khi được sử dụng trong chẩn đoán, có thể cung cấp cho bác sĩ đặc điểm giải phẫu và có thể hữu ích trong việc tái tạo giải phẫu động mạch phổi phức tạp ở những người bệnh lớn tuổi có thân chung động mạch.
  • Điện giải đồ: Bao gồm natri, kali, clorua, canxi.
  • Khí máu động mạch: Giúp đánh giá mức độ nhiễm toan nhằm phân biệt nguyên nhân gây khó thở do tim hay do phổi.

Phương pháp điều trị bệnh thân chung động mạch hiệu quả

Mục tiêu điều trị của bệnh thân chung động mạch là ổn định bệnh nhân và cân bằng lượng máu lưu thông qua mạch phổi và toàn bộ cơ thể. Trẻ sơ sinh mắc bệnh cần được cung cấp môi trường chăm sóc đặc biệt và theo dõi sát.

Thuốc

Thuốc lợi tiểu quai và thiazid để loại bỏ dịch dư thừa trong cơ thể, kiểm soát huyết áp.

Thuốc trước khi phẫu thuật để tăng cường sức co bóp của tim, loại bỏ dịch dư thừa và kiểm soát huyết áp.

Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng nếu trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tim hay còn gọi là viêm nội tâm mạc.

Phẫu thuật

Trẻ mắc bệnh thân chung động mạch cần được phẫu thuật trong những tuần đầu tiên sau khi sinh. Mục tiêu của phẫu thuật nhằm tạo ra một dòng máu nghèo oxy đến phổi và máu giàu oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Phương pháp phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật Rastelli gồm:

  • Sử dụng miếng vá để đóng lỗ thông nhĩ thất hoặc thông liên thất.
  • Dùng mạch máu của thân chung đang có để tạo thành động mạch chủ mới để đưa máu giàu oxy từ tâm thất trái đến toàn bộ cơ thể.
  • Dùng một ống nhân tạo có van nhân tạo để nối tâm thất phải với động mạch phổi để đưa máu nghèo oxy đến phổi.

Hầu hết trẻ mắc bệnh thân chung động mạch đều phát triển bình thường sau phẫu thuật, tuy nhiên trong quá trình trưởng thành và khi trẻ lớn lên trẻ có thể sẽ cần đến những cuộc phẫu thuật khác. Ví dụ vì ống nhân tạo không phát triển kích thước, do đó khi trẻ lớn cần phải phẫu thuật thay thế ống nhân tạo mới với kích thước phù hợp.

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật

Trẻ sau phẫu thuật điều chỉnh thân chung động mạch được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt. Trẻ có thể được hỗ trợ thở máy, dùng thuốc tăng co bóp và thuốc an thần nếu cần thiết. Quan trọng nhất của chăm sóc hậu phẫu là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và giáo dục cha mẹ chăm sóc trẻ đúng cách.

Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật cần được đề cao

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thân chung động mạch

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám và theo dõi suốt đời với bác sĩ tim mạch.
  • Tập thể dục vừa sức, không nên tập quá sức tránh áp lực lên tim.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không sử dụng rượu bia.
  • Tránh các yếu tố làm tăng áp lực lên tim.

Chế độ dinh dưỡng: Trẻ mắc bệnh thân chung động mạch sẽ cảm thấy mệt mỏi khi bú và có thể không đủ dinh dưỡng để phát triển. Do đó, để đảm bảo trẻ tăng cân và phát triển lành mạnh, cần bổ sung sữa có hàm lượng calo cao. Nếu trẻ không đủ sức bú hoặc nuốt, có thể cần phải truyền dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Đối với trẻ lớn hơn, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, thực phẩm lành mạnh.

Phương pháp phòng ngừa bệnh thân chung động mạch hiệu quả

Hiện nay, nguyên nhân bệnh thân chung động mạch chưa được biết rõ, do đó không thể phòng ngừa xảy ra bệnh. Điều trị sớm có thể giúp trẻ phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Bạn có thể phòng ngừa bệnh thân chung động mạch cho con mình bằng cách phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh:

  • Khám thai định kỳ đầy đủ trong giai đoạn mang thai nhằm phát hiện sớm bệnh.
  • Khi sử dụng bất kỳ thuốc nào cần được sự cho phép của bác sĩ.
  • Tiêm ngừa đầy đủ, như Rubella trong thai kỳ.
  • Không sử dụng chất kích thích khi đang mang thai.
  • Điều trị tốt đái tháo đường thai kỳ.

Tiêm ngừa đầy đủ trong thai kỳ để phòng bệnh cho con

Bài viết liên quan

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Messenger