Tư vấn ngay: 0962956960 - Đại Cát Lộc

Rối loạn phát triển lan tỏa là gì? Những vấn đề cần biết về rối loạn phát triển lan tỏa

  • Ngày đăng: 23/05/2024
  • lượt xem: 21 lượt xem

Rối loạn phát triển lan tỏa là một thuật ngữ diễn tả sự phát triển bất thường ở trẻ. Rối loạn này ảnh hưởng đến sự phát triển về các mặt như giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi. Đây là một bệnh lý được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây vì tỉ lệ mắc bệnh này ngày càng gia tăng. Phải chăng bệnh lý này xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghệ hoặc thói quen sử dụng điện thoại sớm? Bài viết sau cung cấp một số thông tin cơ bản giúp bạn đọc có sự hiểu biết cơ bản về bệnh lý này.

Tìm hiểu chung

Rối loạn phát triển lan tỏa là gì?

Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Developmental Disorder - PDD) để chỉ một nhóm các rối loạn liên quan đến sự phát triển của trẻ em. Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ, có 5 loại rối loạn phát triển lan tỏa là:

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD)

Đây là loại rối loạn phổ biến nhất trong tất cả các loại trong bệnh lý rối loạn phát triển lan tỏa này. Vì thế, bệnh lý rối loạn phát triển lan tỏa hiện nay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Loại rối loạn này ảnh hưởng đến cả 3 mặt là giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi. Bệnh đặc trưng bởi kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ kém, thường lặp lại một số động tác quen thuộc, kém hiểu cảm xúc của người khác,...

Rối loạn Asperger (Asperger’s Disorder)

Dạng này thường ảnh hưởng chủ yếu đến khả năng tương tác xã hội và nghiêm trọng hơn dạng rối loạn tự kỷ. Bệnh đặc trưng bởi khả năng giao tiếp xã hội kém, trẻ không hiểu cảm xúc của người khác, có chỉ số thông minh (chỉ số IQ) bình thường, thích tìm hiểu sâu một vấn đề nào đó.

Rối loạn Rett (Rett’s Disorder)

Dạng này thường chỉ xuất hiện ở trẻ gái. Bệnh đặc trưng bởi sự phát triển bình thường trong 18 tháng đầu đời của trẻ, sau đó có sự suy giảm về khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và vận động. Trẻ thường có những biểu hiện như lắc tay liên tục, giảm sự chú ý đến xung quanh, thỉnh thoảng hô hấp bất thường hay những cơn co giật.

Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu (Pervasive Developmental Disorder - Not Otherwise Specified - PDD-NOS)

Những đứa trẻ mắc dạng rối loạn này thường có những khó khăn trong việc giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi nhưng ở mức độ nhẹ hơn những trường hợp mắc ASD hoặc Asperger (không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán ASD hoặc Asperger).

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder - ADHD)

Dạng rối loạn này ảnh hưởng đến khả năng chú ý và kiểm soát hành vi của trẻ. Bệnh đặc trưng bởi các đặc điểm như trẻ thường xuyên lơ là, mất tập trung, nói nhiều, vận động quá mức, khó nghe lời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn phát triển lan tỏa

Nhìn chung, rối loạn phát triển lan tỏa có những rối loạn thuộc 3 khía cạnh sau:

Khó khăn trong giao tiếp: Trẻ có rối loạn trong quá trình phát triển ngôn ngữ, khó khăn trong việc nói, sử dụng từ ngữ và hiểu những gì người khác nói, trẻ có sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với hoàn cảnh, phát ra những âm thanh bất thường có tính lặp đi lặp lại,…

Khó khăn trong tương tác xã hội: Trẻ gặp khó khăn trong việc nhận biết cảm xúc của người khác hay khó thể hiện cảm xúc bản thân, ít quan tâm hay tham gia vào các hoạt động xã hội, có xu hướng cô lập bản thân.

Khó khăn trong hành vi: Trẻ gặp khó khăn trong vận động, học tập. Có thể có sự khó chịu hay phản ứng quá khích khi gặp phải những thay đổi hay kích thích từ môi trường.

Khả năng giao tiếp, tương tác xã hội kém là biểu hiện của rối loạn phát triển lan tỏa

Tác động của rối loạn phát triển lan tỏa với sức khỏe

Rối loạn phát triển lan tỏa làm trẻ em khó hòa nhập với môi trường xung quanh, khả năng học tập kém, bị cô lập, ảnh hưởng đến khả năng tự hồi phục bệnh,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn phát triển lan tỏa

Rối loạn phát triển lan tỏa nếu không được điều trị và quan tâm đúng mức ít nhiều vẫn gây ra các hệ lụy kéo dài đến suốt cuộc đời như trầm cảm, quá khích, dễ làm tổn thương những người xung quanh,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong quá trình phát triển của trẻ, bạn nên đến gặp các bác sĩ nhi khoa ngay để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn phát triển lan tỏa

Một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn phát triển lan tỏa là:

Yếu tố di truyền: Những gia đình có cha mẹ hay người thân trực hệ mắc bệnh thì có nguy cơ mắc bệnh cao. Tình trạng này liên quan đến “sự đứt gãy nhiễm sắc thể X” hoặc có thể liên quan đến các gen số 2, 3, 7, 15, 17 và số 22.

Các vấn đề trước khi sinh: Trong lúc mang thai, mẹ có thể sử dụng một số loại thuốc có thể truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến trẻ, môi trường sống ô nhiễm,…

Các vấn đề trong khi sinh: Trong lúc sinh, khó sinh, trẻ bị chấn thương não khi sinh (ví dụ do hút thai), chuyển dạ kéo dài khiến trẻ bị thiếu oxy cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn phát triển lan tỏa?

Rối loạn phát triển lan tỏa thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Đặc biệt, rối loạn Asperger thường xuất hiện ở nữ.

Rối loạn phát triển lan tỏa thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn phát triển lan tỏa

Yếu tố di truyền và gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên bệnh lý này vì các gen hay môi trường gia đình ảnh hưởng đến tình trạng tinh thần của trẻ cũng như khả năng chịu áp lực của chúng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn phát triển lan tỏa

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần thực hiện khai thác một số thông tin và chỉ định các phương pháp sau:

Hỏi bệnh: Hỏi thêm những thông tin về tiền sử mang thai của mẹ, sinh nở, bệnh tật của trẻ sau sinh, quá trình phát triển của trẻ,…

Khám lâm sàng: Thăm khám toàn thân và đánh giá khả năng giao tiếp, hiểu biết, hành vi ứng xử của trẻ. Đánh giá sự phát triển trí tuệ trẻ bằng các thang điểm (như test Denver). Sử dụng thang CARS đánh giá mức độ tự kỷ của trẻ.

Cận lâm sàng: Các cận lâm sàng thường có giá trị chẩn đoán loại trừ các bệnh lý thực thể khác như MRI sọ não, CT scan sọ não, điện não đồ, điện tâm đồ,… Kiểm tra nhiễm sắc thể đôi khi được sử dụng nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Khai thác các đặc điểm hành vi của trẻ trong quá trình phát triển giúp chẩn đoán bệnh

Điều trị rối loạn phát triển lan tỏa

Thuốc

Thuốc có thể được chỉ định để điều trị một số triệu chứng như trầm cảm, co giật (động kinh), tăng động,… Tuy nhiên, thuốc chỉ giảm bớt triệu chứng bệnh chứ không thể chữa khỏi tình trạng rối loạn phát triển lan tỏa như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rối loạn khí sắc,...

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nên bạn cần được kê đơn và hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Liệu pháp hành vi

Liệu pháp này nhằm dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi phù hợp. Có nhiều loại liệu pháp hành vi có thể được áp dụng cho trẻ em mắc rối loạn phát triển lan tỏa dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ hành vi trị liệu, cụ thể như sau:

Liệu pháp phân tích hành vi (Applied Behavior Analysis - ABA): Liệu pháp ABA sử dụng các kỹ thuật như khuyến khích những hành vi tích cực, giảm thiểu những hành vi tiêu cực, mô phỏng tình huống khiến trẻ dễ kích động,… để dạy các kỹ năng cần thiết trong các tình huống khiến trẻ dễ mất kiểm soát trong cuộc sống.

Liệu pháp can thiệp sớm: Liệu pháp này can thiệp và hỗ trợ trẻ mắc rối loạn phát triển lan tỏa từ sớm - ngay khi trẻ mới bắt đầu có những triệu chứng bất thường. Liệu pháp can thiệp sớm bao gồm các hoạt động như thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh, lập kế hoạch can thiệp, theo dõi và điều chỉnh quá trình điều trị,…

Liệu pháp giáo dục đặc biệt: Liệu pháp này cung cấp cho trẻ mắc rối loạn phát triển lan tỏa một môi trường giáo dục phù hợp với năng lực của trẻ. Liệu pháp giáo dục đặc biệt bao gồm các hoạt động như cung cấp các chương trình, phương pháp giảng dạy, các trang thiết bị thích hợp tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động xã hội khác,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến rối loạn phát triển lan tỏa

Một số thói quen có thể giúp bạn ngăn ngừa diễn tiến bệnh ở trẻ, giúp trẻ dễ hòa nhập với xã hội, bạn bè và gia đình như:

Tạo môi trường an toàn và thân thiện cho trẻ: Trẻ mắc chứng rối loạn phát triển lan tỏa dễ bị kích thích bởi ngoại cảnh bên ngoài như ánh sáng, âm thanh,... Vì thế, một môi trường sống gọn gàng, ngăn nắp, yên tĩnh,... giúp ổn định tâm trạng của trẻ, từ đó giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh.

Giao tiếp và tương tác thường xuyên với trẻ: Thường xuyên tương tác với trẻ, đặc biệt chú trọng giao tiếp bằng ngôn ngữ (ngôn từ đơn giản, rõ ràng) lẫn giao tiếp phi ngôn ngữ (cử chỉ, nét mặt, giọng nói,...) với tác phong nhẹ nhàng, tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích trẻ giúp trẻ thêm hiểu biết về thế giới xung quanh.

Giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ: Rèn luyện kỹ năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt sống cơ bản như ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp với mọi người xung quanh, khả năng nhận diện và xử lý tình huống trong xã hội,...

Giúp trẻ tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng: Giúp trẻ tham gia các hoạt động xã hội như vui chơi cùng bè bạn, các bữa tiệc gia đình,... mà không ép buộc hay để trẻ bị cô lập, giúp trẻ dễ hòa nhập với mọi người hơn.

Sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ giúp trẻ phát triển tốt hơn

Phòng ngừa rối loạn phát triển lan tỏa

Chưa có biện pháp phòng ngừa rối loạn phát triển lan tỏa hiệu quả. Quan tâm quá trình phát triển của trẻ giúp ba mẹ phát hiện sớm những biểu hiện bất thường ở trẻ, có sự chuẩn bị về mặt tinh thần khi gia đình có người mắc bệnh,... giúp gia đình hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ tốt hơn.

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn phát triển lan tỏa

Rối loạn phát triển lan tỏa có thể sinh con không?

Người có tình trạng rối loạn phát triển lan tỏa có thể sinh con bình thường vì tình trạng này không hề ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Rối loạn phát triển lan tỏa có thể truyền lại cho thế hệ sau không?

Những trẻ em được sinh ra trong gia đình có người mắc phải tình trạng này thường có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.

Liệu pháp hành vi là gì?

Liệu pháp hành vi là một trong những phương pháp trị liệu tâm lý bằng trò chuyện, điều chỉnh hành vi ở trẻ khó hòa nhập với môi trường xung quanh.

Bác sĩ thuộc chuyên khoa nào sẽ điều trị bệnh lý này?

Các bác sĩ nhi khoa và bác sĩ tâm thần sẽ phối hợp cùng nhau để chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.

Bài viết liên quan

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Messenger